Dạy học phát triển năng lực – Kết quả hay quá trình là quan trọng

Nền giáo dục của chúng ta đang tích cực đổi mới về dạy học phát triển năng lực học sinh. Nhiều thói quen cũ của giáo viên cần phải được xóa bỏ thế nhưng chúng ta lại cứ hay bị lặp lại ngay khi chúng ta soạn giáo án. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng PGS. TS Nguyễn Hữu Hợp xem xét thảo luận, điều gì là quan trọng trong dạy học phát triển năng lực cho học sinh, thói quen nào nên bỏ, điều gì nên giữ.

Chia sẻ 

Một người đi làm bằng xe máy có mặt ở cơ quan trước giờ quy định 10 phút. Đó là kết quả. Kết quả này chưa phản ánh được là người này có năng lực điều khiển xe máy hay không. Biết đâu, trên đường đi, anh/chị ta vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, quá tốc độ cho phép… Đó là quá trình điều khiển xe. Nếu vi phạm những điều này, anh/chị này chưa có năng lực điều khiển xe.

Như vậy, kết quả chưa phản ánh được năng lực trong dạy học phát triển năng lực

Đối với năng lực, quá trình quan trọng hơn kết quả. Bởi vì quá trình đúng dẫn đến kết quả đúng, còn kết quả đúng chưa chắc nhờ quá trình đúng.

Trong dạy học phát triển năng lực học sinh (HS), điều quan trọng là quá trình HS tìm ra, phát triển kiến thức, kỹ năng (kết quả) như thế nào. Do đó, giáo viên phải tổ chức hoạt động thích hợp cho HS tư duy, trải nghiệm, giải quyết vấn đề mà không được cấp sẵn “món ăn liền” chán ngắt, kém bổ béo.

@Khi thiết kế bài học phát triển năng lực, trước hết, giáo viên cần xác định mục tiêu năng lực (gồm quá trình và kết quả). Chừng nào còn xác định mục tiêu kiến thức, kỹ năng (chỉ là kết quả) thì lại quay về cái “máng lợn cũ” của ông lão đánh cá, còn con cá vàng cũng không giúp được gì.

Ví dụ:

Phân biệt mục tiêu bài học (MTBH) truyền thống và MT BH phát triển năng lực với nội dung tri thức là cách tính diện tích hình tam giác.

1) MTBH truyền thống: HS phát biểu được cách tính diện tích hình tam giác. 
2) MTBH phát triển năng lực: HS so sánh được diện tích các hình tam giác và hình chữ nhật và từ đó khái quát hóa được kết quả thành cách tính diện tích hình tam giác.

So sánh 2 MTBH trên:

1) Giống nhau: Đều có 2 yếu tố là HS và kết quả (tri thức về cách tính diện tích hình tam giác).

2) Khác nhau: MTBH phát triển năng lực còn có yếu tố QUÁ TRÌNH (so sánh và khái quát hóa).

MT trên ảnh hưởng đến cách dạy như thế nào?

Để giúp HS có kiến thức, GV có thể sử dụng các phương pháp như: giảng giải, thuyết trình, giải thích – minh họa kết hợp với trình bày trực quan… Cách này chỉ được kiến thức, khó giúp HS phát triển năng lực.

Dạy học phát triển năng lực

Để giúp HS đạt được MTBH năng lực, GV tổ chức cho các em làm việc nhóm đôi với các bài tập 1, 2, 3 so sánh diện tích các hình tam giác và hình chữ nhật (HS được cấp các tấm bìa và các dụng cụ thước kẻ, kéo, bút chì). Từ đó, HS khái quát hóa kết quả (diện tích hình tam giác bằng một nửa diện tích hình chữ nhật) thành cách tính diện tích hình tam giác (với các bài tập 4, 5).

Qua đó, HS góp phần phát triển các năng lực khác nhau như: tự học, giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề, toán học…

@Để dạy được như thế này, GV phải giỏi về lĩnh vực toán học và rành về phát triển năng lực. Khó lắm thay!

Tham khảo thêm: Các mẫu câu hỏi theo mức độ nhận thức của học sinh

PGS. TS Nguyễn Hữu Hợp